Quyền và lợi ích là động lực để các chủ thể tham gia vào các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều tranh chấp phát sinh từ các quan hệ trên. Theo đó, để bảo vệ quyền lợi của mình, các chủ thể thường tham gia vào tố tụng dân sự.

Mục lục bài viết
Tố tụng dân sự là gì?
Khi tham gia vào các quan hệ xã hội, các chủ thể phải thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật. Việc một chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật có thể sẽ xâm phạm đến quyền và lợi ích của các chủ thể khác, dẫn đến xảy ra tranh chấp.
Để duy trì trật tự xã hội, Nhà nước thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Theo đó, các chủ thể có quyền, lợi ích bị xâm phạm có quyền sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định để bảo vệ mình như yêu cầu người có hành vi vi phạm phải chấm dứt, yêu cầu tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác bảo vệ họ thông qua thủ tục tố tụng. Trong đó, tố tụng dân sự dường như phổ biến nhất
Tố tụng dân sự là tổng hợp tất cả các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình toà án giải quyết án dân sự và thi hành án dân sự giữa toà án, viện kiểm sát với những người tham gia tố tụng.
Luật tố tụng dân sự là gì?
Nếu bạn chưa rõ về tố tụng, hãy tham khảo bài viết tố tụng là gì?
Căn cứ vào phạm vi điều chỉnh của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, thì tố tụng dân sự bao gồm các giai đoạn như khởi kiện, hòa giải, xét sử sơ thẩm, phúc thẩm,…Từ đó, tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của bộ luật tố tụng dân sự thành ngành luật được gọi là luật tố tụng dân sự.
Theo đó, có thể hiểu Luật tố tụng dân sự là một ngành luật trong hệ thống pháp luật quốc gia, bao gồm hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình tố tụng dân sự nhằm đảm bảo cho việc giải quyết và thi hành được đúng đắn, nhanh chóng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể và lợi ích của Nhà nước
Vậy khi tố tụng phải tuân theo những nguyên tắc nào? Có thể bạn quan tâm đến nguyên tắc tố tụng dân sự.
Cơ quan giải quyết và người tiến hành tố tụng là ai?
Cơ quan tiến hành tố tụng
Cơ quan tiến hành tố tụng là cơ quan nhà nước, thực hiện nhiệm vụ quyền hạn trong việc giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự hoặc kiểm sát việc tuân theo quy định pháp luật trong tố tụng dân sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của luật trên.
Các quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có giá trị bắt buộc các chủ thể khác phải chấp hành bởi khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình họ được nhân danh, sử dụng quyền lực nhà nước.
Thành phần của cơ quan tiến hành tố tụng theo Điều 39 Luật Tố tụng dân sự 2015 bao gồm:
(i) Tòa án nhân dân
(ii) Viện kiểm sát nhân dân
Người tiến hành tố tụng
Người tiến hành tố tụng là người thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, thi hành án dân sự, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng dân sự.
Người tiến hành tố tụng đều là công chức nhà nước, trừ Hội thẩm nhân dân (có thể không phải công chức). Họ được thay mặt các cơ quan tiến hành tố tụng, họ được chủ động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình một cách độc lập với các chủ thể khác và hoạt động theo nguyên tắc chỉ tuân theo pháp luật.
Thành phần của người tiến hành tố tụng gồm có:
(i) Chánh án tòa án
(ii) Thẩm phán
(iii) Hội thẩm nhân dân
(iv) Thẩm tra viên
(v) Thư ký tòa án
(vi) Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân
(vii) Kiểm sát viên
(viii) Thủ trưởng cơ quan thi hành án
(ix) Chấp hành viên
Quy trình tố tụng dân sự gồm những bước gì?
Bước 1: Thụ lý vụ án

Thụ lý vụ án là việc tòa án nhận đơn khởi kiện của người khởi kiện và vào sổ thụ lý vụ án dân sự để giải quyết. Đây là công việc đầu tiên của tòa án trong quá trình tố tụng.
Theo quy định tại Điều 191, 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, sau khi nhận được đơn khởi kiện, tài liệu và chứng cứ liên quan thì tòa án phải ghi vào sổ nhận đơn và chánh án phải phân công cho một thẩm phán xem xét đơn kiện trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận đơn theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì tòa phải báo cho người khởi kiện biết để thực hiện việc nộp tiền tạm ứng án phí. Sau đó, tòa quyết định nhận giải quyết và vào sổ thụ lý vụ án dân sự.
Bước 2: Hòa giải vụ án

Trên cơ sở quyền tự định đoạt của các đương sự, việc hòa giải vụ án dân sự được xây dựng dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự tự nguyện, tiến hành theo đúng quy định pháp luật và tích cực để đạt hiệu quả cao.
Hầu hết các vụ án dân sự, trừ trường hợp quy định tại Điều 206 và Điều 207 Bộ luật Tố tụng Dân sự, thì trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án – theo quy định tại Khoản 1 Điều 205 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
(i) Trường hợp hòa giải thành công và các đương sự không có sự thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận, thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định hòa giải thành.
(ii) Trường hợp hòa giải không thành, thì sẽ lập biên bản hòa giải không thành và thực hiện các thủ tục tiếp theo để đưa vụ án ra xét xử.
Bước 3: Chuẩn bị xét xử

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán ra một trong số các quyết định như: công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, đưa vụ án ra xét xử, tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
Theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, trong thời hạn một tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa, hoặc hai tháng với trường hợp có lý do chính đáng.
Bước 4: Mở phiên tòa xét xử

Theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 phiên tòa phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa.
Thành phần tham gia phiên tòa bao gồm một số chủ thể như: đương sự, người đại diện của đương sự, người làm chứng, người giám định,… được quy định từ Điều 227 đến Điều 232 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
Ý nghĩa của tố tụng dân sự
(i) Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia vào các quan hệ xã hội, duy trì trật tự xã hội
(ii) Đảm bảo sự công bằng, bình đẳng cho các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ xã hội
(iii) Đảm bảo nguyên tắc pháp chế trong việc quản lý nhà nước;
(iv) Giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật cho cộng đồng
Xem thêm nội dung: Nguyên tắc tố tụng dân sự
Án phí khi tiến hành tố tụng dân sự là bao nhiêu?
Nhà nước phải chi phí cho việc tòa án tiến hành giải quyết các vụ việc dân sự là do lỗi của các đương sự hoặc vì lợi ích riêng của các đương sự. Do vậy, pháp luật quy định đương sự phải chịu một phần số tiền Nhà nước đã chi cho tòa án thực hiện các hoạt động đó. Trong đó có án phí.
Các đương sự phải chịu án phí theo quy định pháp luật đối với từng loại vụ việc, trên cơ sở lợi ích và mức độ lỗi của họ trong quan hệ pháp luật tòa án giải quyết.
Khoản 2 Điều 143 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định “Án phí bao gồm án phí sơ thẩm và án phí phúc thẩm”. Theo quy định hiện hành, đương sự chỉ phải chịu án phí khi yêu cầu họ không được Tòa án chấp nhận.
Ví dụ như: vụ “tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) – nguyên đơn và Công ty trách nhiệm hữu hạn Grab (Grab) – bị đơn. Trong vụ việc trên, Vinasun khởi kiện Grab vì cho rằng, thời gian qua công ty này kinh doanh vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho Vinasun. Ngày 28/12, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chấp nhận yêu cầu của Vinasun đòi Grab bồi thường. Tuy nhiên, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Vinasun đòi bồi thường số tiền 36,3 tỷ đồng. Theo đó, Hội đồng xét xử buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng. Do đó, khi quyết định án phí tố tụng, Tòa án buộc Grab phải chịu án phí sơ thẩm với số tiền 112 triệu đồng, Vinasun chịu 144 tỷ đồng. Ngoài ra, Grab phải tra cho Vinasun chi phí giám định với số tiền là triệu đồng.
Vậy án phí khi tiến hành tố tụng dân sự theo quy định hiện nay là bao nhiêu?
Các loại án phí dân sự được quy định tại Điều 143 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, bao gồm:
(i) Lệ phí khi đương sự có yêu cầu cấp bản sao bản án, quyết định hay các giấy tờ khác của tòa án;
(ii) Lệ phí khi đương sự nộp đơn yêu cầu tòa án giải quyết việc dân sự;
(iii) Lệ phí khi đương sự có yêu cầu tòa án giải quyết các việc khác;
(iv) Các khoản lệ phí theo quy định pháp luật.
Ngoài các khoản án phí theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành, thì các cơ quan tiến hành tố tụng không được tự đặt ra các loại án phí, lệ phí khác.
Ngoài ra, việc xem xét lại các bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm sẽ không bị thu án phí. Bởi việc xem xét trên là nhằm sửa chữa những thiếu sót, sai lầm trong các bản án, quyết định trên hoặc nhằm khôi phục lại vụ án để xét xử lại khi có tình tiết mới xuất hiện.
Đối với án phí
Án phí dân sự sơ thẩm với các vụ án về tranh chấp dân sự, lao động, hôn nhân và gia đình không có giá ngạch là 2 trăm nghìn đồng
Án phí dân sự sơ thẩm với các vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại không có giá ngạch là 2 triệu đồng
Án phí dân sự phúc thẩm là 2 trăm nghìn đồng.
Ngoài ra, bạn đọc có thể tham khảo một số bài viết liên quan tại Luật Tố Tụng dân sự 2015
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
- Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.