Thực tiễn áp dụng pháp luật về xét xử theo thủ tục rút gọn trong vụ án dân sự

0
421
Đánh giá

Thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự là một chế định tiến bộ trong pháp luật tố tụng dân sự. Ở Việt Nam, thủ tục này lần đầu tiên được chính thức ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, hiện thực hóa nhiệm vụ cải cách tư pháp; đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Tòa án; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, do là quy định mới nên thực tiễn áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập nhất định.

Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật hành chính, gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Những hạn chế trong quá trình áp dụng thủ tục rút gọn

Về điều kiện áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn

– Điều kiện: “Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ”:

Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể nào về cách hiểu thế nào là “vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ”, điều này làm cho việc áp dụng quy định này để xem xét vụ án nào đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết gặp rất nhiều khó khăn, thiếu sự đồng nhất giữa các Tòa án. Việc chưa có cách hiểu cụ thể về điều kiện này cũng gây ra khó khăn cho đương sự trong việc lựa chọn thủ tục tố tụng rút gọn để giải quyết tranh chấp.

– Điều kiện: “Tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ”

Hiểu thế nào là vụ án có tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể mà chủ yếu phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của Thẩm phán. Điều này dẫn đến khả năng Thẩm phán đánh giá không đúng về tính đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ của tài liệu, chứng cứ từ đó quyết định việc áp dụng hay không áp dụng thủ tục rút gọn không chuẩn xác hoặc có sự đánh giá khác nhau giữa các cấp xét xử dẫn đến tình trạng hủy, sửa bản án hoặc chuyển vụ án từ thủ tục tố tụng rút gọn sang thủ tục tố tụng thông thường khi xét xử ở cấp phúc thẩm. Bên cạnh đó, quy định điều kiện đủ “và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ” là quá chặt, dẫn đến thu hẹp đối tượng vụ án được áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn.

Về thủ tục khiếu nại, kiến nghị việc Tòa án áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn

BLTTDS năm 2015 chỉ quy định việc khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị về quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn tại Điều 319 mà chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại của đương sự đối với việc Tòa án thụ lý vụ án theo thủ tục tố tụng rút gọn. Thiếu sót này dẫn đến đương sự, Viện kiểm sát không có quyền khiếu nại, kiến nghị đối với việc Tòa án thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng rút gọn ngay từ đầu mà phải đợi đến khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử mới có quyền khiếu nại, kiến nghị.
Trường hợp qua giải quyết khiếu nại, kiến nghị mà phải chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục tố tụng thông thường thì gây lãng phí khoảng thời gian từ khi thụ lý vụ án đến khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

 Về vấn đề chuyển vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn sang thủ tục thông thường và ngược lại

Khoản 3 Điều 317 BLTTDS năm 2015 quy định trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Tòa án phải ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Tuy nhiên, BLTTDS năm 2015 lại không có quy định sau khi thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường mà có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn thì chuyển từ thủ tục thông thường sang thủ tục rút gọn. BLTTDS năm 2015 cũng không quy định cho phép Tòa án ấp phúc thẩm thụ lý vụ án theo thủ tục tố tụng rút gọn trong trường hợp vụ án được Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng thông thường nhưng đến khi Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý thì vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn.

Khoản 3 Điều 191 BLTTDS năm 2015 quy định: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công xem xét đơn khởi kiện, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và tùy từng trường hợp mà ra quyết định – trong đó có tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của BLTTDS năm 2015. Như vậy, việc áp dụng thủ tục rút gọn hay không là phải quyết định ngay từ khi thụ lý vụ án. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, Tòa án cần có thời gian (dài hơn 05 ngày làm việc) để xác định được chính xác một vụ việc có đủ các điều kiện để áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn theo quy định tại khoản 1 Điều 317 BLTTDS năm 2015 hay không. Do luật không quy định nên đối với những vụ án này Tòa án thông thường sẽ thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng thông thường. Sau đó, mặc dù vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn nhưng do BLTTDS không quy định về việc chuyển từ thủ tục thông thường sang thủ tục rút gọn nên vụ án vẫn không thể được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Về thời hạn chuẩn bị xét xử

Đối với thủ tục tố tụng dân sự rút gọn thì Thẩm phán trong vòng một tháng bắt buộc chỉ được ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Quy định này đã rút ngắn thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục rút gọn so với thủ tục thông thường. Tuy nhiên, với quy định này thì thời gian vụ án dân sự giải quyết theo thủ tục tố tụng thông thường có thể sẽ được rút ngắn hơn so với giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự rút gọn. Cụ thể với trường hợp giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự thông thường mà sau khi thụ lý các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ nội dung vụ án thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự sau thời gian bảy ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành. Còn nếu để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự rút gọn thì thời gian này tối thiểu phải là một tháng.

Về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

BLTTDS năm 2015 không quy định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với vụ án giải quyết theo thủ tục tố tụng rút gọn. Theo khoản 3 Điều 317 BLTTDS năm 2015, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết “cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” thì Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.
Như vậy, đối với vụ án giải quyết theo thủ tục tố tụng rút gọn thì không được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trong khi đó, BLTTDS quy định nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời và có những biện pháp khẩn cấp tạm thời mà việc áp dụng chúng không làm ảnh hưởng đáng kể đến thời gian thụ lý, giải quyết vụ án, đồng thời cũng không phát sinh những vấn đề gì làm cho vụ án thêm phức tạp như: tạm đình chỉ thi hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, quyết định sa thải người lao động; cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ; cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình,…

Đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất: TANDTC cần có hướng dẫn cụ thể về điều kiện áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn quy định tại Điều 317 BLTTDS năm 2015.

Thứ hai: Bổ sung quy định cho phép đương sự được quyền khiếu nại, Viện kiểm sát được quyền kiến nghị đối với thông báo thụ lý vụ án theo thủ tục tố tụng rút gọn.

Thứ ba: Bổ sung quy định cho phép Tòa án có thẩm quyền chuyển từ thủ tục tố tụng thông thường sang giải quyết theo thủ tục tố tụng rút gọn nếu trong quá trình giải quyết vụ án mà xét thấy vụ án thỏa mãn các điều kiện để áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn.

Thứ tư: Bổ sung quy định cho phép Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng rút gọn khi đủ điều kiện kể cả trong trường hợp trước đó Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng thủ tục tố tụng thông thường để giải quyết vụ án.

Thứ năm: Bổ sung quy định cho phép Thẩm phán được ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hoặc đình chỉ giải quyết vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án giải quyết theo thủ tục tố tụng rút gọn. Điều kiện để ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hoặc đình chỉ giải quyết vụ án được thực hiện theo quy định chung tại Điều 212 và Điều 217 BLTTDS năm 2015.

Thứ sáu: Bổ sung quy định cho phép áp dụng một số biện pháp khẩn cấp tạm thời không làm thay đổi tính chất và không ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết vụ án và khi áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời này thì vụ án vẫn được xét xử theo thủ tục rút gọn./.

Xem thêm:

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây