Phiên tòa chính là nơi các chủ thể tham gia vào các quan hệ xã hội được tự mình hoặc thông qua người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi nó bị xâm phạm. Vậy phiên tòa là gì? Phiên tòa sơ thẩm được pháp luật quy định như thế nào?

Mục lục bài viết
Phiên tòa sơ thẩm là gì?
Sau khi vụ án được thụ lý,Tòa án chính thức xác nhận thẩm quyền và trách nhiệm của mình trong việc giải quyết vụ án dân sự. Nếu hòa giải không thành, tòa án phải củng cố, hoàn thiện hồ sơ để đưa vụ án ra xét xử tại phiên tòa hay với những vụ án dân sự pháp luật quy định không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được thì tòa án phải tiến hành phiên xét xử vụ án dân sự. Phiên xét xử này được gọi là phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự.
Tất cả các vụ án dân sự nếu đã phải được đưa ra xét xử theo quy định đều phải trải qua việc xét xử tại phiên tòa sơ thẩm.
Đây là phiên xét xử lần đầu nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc giải quyết vụ án dân sự. Tại phiên tòa, tòa án sẽ giải quyết các vấn đề của vụ án, xác định quyền và nghĩa vụ của các đương sự làm cơ sở cho việc thi hành án.
Đây cũng là nơi tòa án thực hiện việc giáo dục pháp luật bởi thông qua hoạt động xét xử tại tòa án những người tham dự phiên tòa sẽ biết rõ hơn các quy định pháp luật được tòa án áp dụng trong việc giải quyết vụ án, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của họ.
Bên cạnh đó, hoạt động xét xử của tòa án tại phiên tòa nói chung và phiên tòa phúc thẩm nói riêng là hình thức để thực hiện hóa chức năng, nhiệm vụ của cơ quan xét xử, thực hiện các đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Hoạt động này thực hiện tốt sẽ góp phần tăng thêm tác dụng của công tác giao dục chính trị, giáo dục ý thức pháp luật của người dân.
Yêu cầu chung đối với phiên tòa dân sự sơ thẩm là gì?
Vì tầm quan trọng như trên mà phiên tòa dân sự sơ thẩm cũng phải đặt ra các yêu cầu buộc các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và các chủ thể khác liên quan phải tuân theo.
Thứ nhất, thực hiện theo nguyên tắc tiến hành phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự
Để giải quyết các vụ việc dân sự một cách đúng đắn, chính xác, việc tiến hành phiên tòa sơ thẩm phải được thực hiện một cách chu đáo, nghiêm túc, phải tuân thủ đầy đủ các quy định về nguyên tắc tiến hành tố tụng dân sự được quy định tại các điều từ Điều 3 đến Điều 25 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Ngoài ra, vì sự có mặt của đương sự là rất cần thiết nên việc tiến hành phiên tòa sơ thẩm của các đương sự nói riêng và các chủ thể tiến hành, tham gia phiên tòa phải được thực hiện đúng thời gian, địa điểm theo quy định.
Bên cạnh các nguyên tắc trên, phiên tòa sơ thẩm dân sự còn phải được tiến hành theo phương thức xét xử trực tiếp và bằng lời nói theo quy định tại Điều 225 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Việc này nhằm đảm bảo cho tòa án nhận định và xác minh được đầy đủ, chính xác các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án để có đánh giá một cách toàn diện.
Thứ hai, quy định về thành phần hội đồng xét xử sơ thẩm
Thành phần hội đồng xét xử tại phiên tòa sơ thẩm theo quy định tại Điều 63 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành gồm:
(i) 01 Thẩm phán và
(ii) 02 Hội thẩm nhân dân.
Trường hợp xét xử đặc biệt, thành phần hội đồng xét xử có thể thay đổi, bao gồm:
(i) 02 Thẩm phán và
(ii) 03 Hội thẩm nhân dân.
Ngoài ra, nếu trong quá trình xét xử, một thành viên nào đó của Hội đồng xét xử vắng mặt vì lý do đặc biệt, không thể tham gia xét xử vụ án nữa thì việc thay thế các thành viên được tiến hành theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Thứ ba, quy định về người tham gia phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự
Người tham gia phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự được quy định từ Điều 227 đến Điều 232 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, những người tham gia phiên tòa sơ thẩm hiện nay bao gồm:
(i) Nguyên đơn
(ii) Bị đơn
(iii) Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ việc dân sự
(iv) Người đại diện của đương sự
(v) Người bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc
(vi) Người làm chứng
(vii) Người giám định
(viii) Người phiên dịch.
Theo đó, tất cả những người tham gia tố tụng phải được triệu tập tham gia phiên tòa nhằm đảm bảo cho việc xét xử trực tiếp, liên tục, bằng lời nói; để vụ án được giải quyết nhanh chóng, chính xác và đảm bảo cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Đương sự là thành phần quan trọng trong phiên tòa, theo quy định, Tòa án chỉ xét xử vắng mặt đương sự trong một số trường hợp theo quy định tại Điều 227 và 228 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Ngoài ra, các yêu cầu chung đối với phiên tòa dân sự sơ thẩm theo quy định còn bao gồm: tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án, nội quy phiên tòa, bản án sơ thẩm và biên bản phiên tòa dân sự sơ thẩm.
Nội quy của phiên tòa là gì?
Nội quy phiên tòa là các quy tắc xử sự đặt ra với các chủ thể tại phiên tòa. Theo đó, những người tham gia hoặc tham dự phiên tòa bắt buộc phải tuân theo.
Trước khi khai mạc phiên tòa, thư kí tòa án có nhiệm vụ phổ biến các nội quy tại phiên tòa cho những người tham gia tố tụng và những người tham dự phiên tòa để họ biết và thực hiện
Những quy định cụ thể của nội quy phiên tòa được quy định tại Điều 234 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Trình tự tiến hành phiên tòa sơ thẩm theo quy định pháp luật
Bước 1: Chuẩn bị khai mạc phiên tòa sơ thẩm

Việc thực hiện các công việc trong giai đoạn này là do thư kí tòa án thực hiện. Đây là thủ tục bắt buộc đảm bảo cho phiên tòa diễn ra có sự tham dự đầy đủ của người tham gia tố tụng, từ đó xác lập trật tự của phiên tòa trước khi khai mạc, đồng thời kiểm tra có trường hợp nào phải hoãn phiên tòa theo quy định hay không.
Bước 2: Bắt đầu phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự

(i) Khai mạc phiên tòa
Đây là một trong những thủ tục bắt buộc phải thực hiện trước khi hội đồng xét xử tiến hành xét xử. Việc khai mạc phiên tòa được tiến hành theo quy định tại Điều 239 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
(ii) Giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định và người phiên dịch
Trường hợp có yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người phiên dịch hay người giám định thì hội đồng xét xử phải xem xét, lắng nghe ý kiến của người bị thay đổi tại phiên tòa trước khi chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu thay đổi và phải nêu rõ lý do. – Điều 240 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Quyết định này phải được hội đồng xét xử thảo luận, thông qua theo đa só tại phòng nghị án và phải lập thành văn bản.
(iii) Xem xét, quyết định hoãn phiên tòa khi có người vắng mặt
Theo đó, khi có người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa mà thuộc trường hợp phải hoãn phiên tòa thì hội đồng xét xử xem xét, quyết định hoãn phiên tòa theo quy định tại Điều 241 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
(iv) Bảo đảm tính khách quan của người làm chứng theo quy định tại Điều 242
(v) Hỏi đương sự về thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu và thỏa thuận giải quyết vụ án
Bước 3: Tranh tụng tại phiên tòa

Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành có sự kết hợp giữa thủ tục thẩm vấn và thủ tục tranh tụng nhằm nâng cao giá trị dân chủ, bình đẳng và tính công khai, minh bạch trong hoạt động tư pháp. Theo đó, việc tranh tụng được tiến hành theo các bước sau:
(i) Trình bày của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
(ii) Nghe đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trình bày về vụ án
(iii) Thủ tục hỏi
(iv) Công bố các tài liệu liên quan đến vụ án
(v) Tranh luận
(vi) Trở lại việc hỏi
Bước 4: Nghị án và tuyên án

Nghị án là việc hội đồng xét xử xem xét, quyết định việc giải quyết vụ án trên cơ sở kết quả của việc hỏi và tranh luận tại phiên tòa. Việc nghị án được tiến hành theo quy định tại Điều 264 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Sau quá trình nghị án, bản án được thông qua, hội đồng xét xử trở lại phòng xét xử để tuyên án. thủ tục tuyên án được quy định tại Điều 267 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Mời bạn đọc xem thêm các trường hợp hoãn phiên tòa dân sự theo quy định hiện hành
Những câu hỏi thường gặp về phiên tòa sơ thẩm
Có bắt buộc phải hòa giải tại phiên tòa sơ thẩm? Nguyên tắc hòa giải là gì?
Hòa giải trong hoạt động tố tụng nói chung và trong tố tụng dân sự nói riêng là hoạt động tố tụng do tòa án tiến hành nhằm giúp đỡ các đương sự thỏa thuận với nhau về giải quyết vụ án dân sự.
Trong vụ án dân sự, đương sự là chủ thể của các quan hệ pháp luạt về nội dung có tranh chấp cần giải quyết nên có quyền thương lượng, điều chỉnh với nhau để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, sự thương lượng, hòa giải này phải xuất phát từ ý chí chủ quan, sự tự nguyện của chính đương sự. theo đó, không ai có quyền hay được phép dùng bất cứ hình thức nào để bắt buộc, cương ép đương sự hòa giải hay thỏa thuận với nhau để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp của họ.
Vì vậy, việc hòa giải là không bắt buộc, nó phải xuất phát từ sự tự nguyện của các bên. Vậy khi đã thống nhất hòa giải, các bên phải tuân theo những nguyên tắc gì?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 205 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, việc hòa giải của các đương sự trong vụ án dân sự được thực hiện theo nguyên tắc:
(i) Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận thực sự của các bên, không gò bó, bắt buộc, áp đặt các bên phải tiến hành hòa giải. Đặc biệt cấm các hành vi dùng vũ lực để bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận trái với mong muốn, ý chí của họ
(ii) Tiến hành theo đúng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, phạm vi hòa giải,…, nội dung thỏa thuận của các bên không trái với pháp luật, đạo đức xã hội.
Ngoài ra, việc hòa giải còn phải tích cực và kiên trì nhằm đạt được kết quả giải quyết nhanh chóng, không để việc hòa giải kéo dài vô ích.
Tôi có được rút đơn khởi kiện tại phiên tòa sơ thẩm không?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đương sự có quyền rút đơn khởi kiện tại phiên tòa sơ thẩm nếu việc rút là tự nguyện. Theo đó, đương sự được rút một phần hoặc tòa bộ đơn khởi kiện.
Khi đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút theo quy định.
Bạn đọc có thể xem thêm các thủ tục phải làm khi rút đơn khởi kiện
Đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có được phép vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm không?
Theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, các chủ thể trên phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Theo đó, với lần triệu tập lần thứ nhất mà các chủ thể trên vắng mặt tòa có thể sẽ phải hoãn phiên tòa.
Đối với lần triệu tập thứ hai nếu các chủ thể trên không có yêu cầu độc lập vắng mặt (không có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan) mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử theo thủ tục vắng mặt họ. (Không phụ thuộc vào vấn đề bị hại có mặt tại phiên tòa có đơn xin hoãn phiên tòa hay không)
Theo đó, nếu có lý do chính đáng hay gặp sự kiện bất khả kháng,… mà không thể tham gia phiên tòa, đương sự và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phải làm đơn xin vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết trong được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.