Khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm, cơ quan có thẩm quyền khởi tố phải xác định có sự việc xảy ra hay không. Giai đoạn khởi tố hình sự có nhiệm vụ xác định có hay không dấu hiệu tội phạm để ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.

Mục lục bài viết
Khởi tố vụ án hình sự là gì? Người bị khởi tố vụ án hình sự gọi là gì?
Khởi tố vụ án hình sự
Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên trong thủ tục tố tụng hình sự, khi đó cơ quan có thẩm quyền có nhiệm vụ xác định sự việc có hay không có dấu hiệu của tội phạm để đưa ra quyết định về việc khởi tố hoặc ra quyết định không khởi tố vụ án.
Việc khởi tố hình sự nhằm kịp thời phát hiện nhanh chóng các hành vi phạm tội. Bởi chỉ có thể thông qua việc kiểm tra, xác minh kịp thời các nguồn tin về tội phạm của cơ quan có thẩm quyền thì mới có điều kiện làm rõ việc có hay không dấu hiệu tội phạm của vụ việc.
Quyết định khởi tố vụ án là cơ sở quan trọng để thực hiện việc điều tra. Cơ quan có thẩm quyền không được tiến hành các hoạt động điều tra khi chưa có quyết định khởi tố, trừ một số hoạt động được tiến hành trong quá trình giải quyết các kiến nghị khởi tố, tố giác, tin báo tội phạm.
Việc khởi tố vụ án góp phần bảo đảm quyền con người, quyền cá nhân, cơ quan, tổ chức. Nếu không thực hiện việc kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm mà tiến hành ngay các hoạt động điều tra sẽ dẫn đến nhiều trường hợp sau một thời gian điều tra không xác định được dấu hiệu của tội phạm nên phải đình chỉ việc điều tra thì quyền tự do thân thể của họ đã bị xâm phạm.
Người bị khởi tố vụ án hình sự
Theo quy định tại Điều 60 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 “bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự”
Các bị can sau khi nhận được quyết định triệu tập từ cơ quan điều tra sẽ có các quyền như:
(i) Yêu cầu được nhờ người bào chữa hoặc tự bào chữa cho chính mình;
(ii) Đưa ra những tài liệu, chứng cứ có liên quan để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình;
(iii) Khiếu nại những quyết định; hành vi tố tụng của cơ quan.
Ngoài ra, bị can phải có nghĩa vụ tuân thủ đúng theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra để phục vụ công tác tố tụng. Bên cạnh đó, bị can phải tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong suốt quá trình giải quyết vụ việc.
Thẩm quyền khởi tố hình sự thuộc về cơ quan nào?
Điều 153 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về thẩm quyền khởi tố hình sự. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền khởi tố hình sự bao gồm: cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan được giao nhiệm vụ, Hội đồng xét xử.
Cơ quan điều tra
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 153 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Cơ quan điều tra có thẩm quyền ra quyết định khởi tố hình sự đối với tất cả vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trừ những vụ việc hội đồng xét xử, viện kiểm sát đang thụ lí, giải quyết hay những vụ việc do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành theo quy định của pháp luật.
Cơ quan an ninh điều tra của công an nhân dân khởi tố các vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại Chương XIII, Chương XXVI và một số tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 nếu vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án nhân dân,…
Thẩm quyền ra quyết định về việc khởi tố hình sự thuộc về thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan an ninh điều tra các cấp theo quy định.

Viện kiểm sát
Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự trong những trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 153 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 bao gồm:
(i) Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
(ii) Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành giải quyết các tin báo hay tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
(iii) Viện kiểm sát phát hiện các dấu hiệu tội phạm trong vụ án hoặc theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử.
Cơ quan khác được giao nhiệm vụ
Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nếu thuộc các trường hợp quy định tại Điều 164 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 – theo quy định tại Khoản 2 Điều 153.
Tòa án
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 153, Hội đồng xét xử có thẩm quyền ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu phát hiện việc xét xử tại phiên tòa trước đó có bỏ lọt tội phạm.
TRong khi chuẩn bị xét xử, nếu tòa án phát hiện ngoài hành vi mà viện kiểm sát đã truy tố, bị can còn thực hiện hành vi khác mà Bộ luật hình sự hiện hành quy định là tội phạm hoặc có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tòa án không khởi tố vụ án mà trả hồ sơ cho viện kiểm sát để kiểm tra bổ sung.
Bạn đọc có thể xem thêm các căn cứ khởi tố vụ án hình sự
Quy định pháp luật về thời hạn, thời hiệu khởi tố hình sự
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, kể từ ngày nhận được kiến nghị khởi tố hay tố giác, tin báo về tội phạm, trong thời hạn 20 ngày Cơ quan điều tra, cơ quan có thẩm quyền điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:
(i) Quyết định về việc khởi tố vụ án hình sự;
(ii) Quyết định về việc không khởi tố vụ án hình sự;
(iii) Quyết định về việc tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Trường hợp kiến nghị khởi tố, tin báo hoặc vụ việc bị tố giác về tội phạm cần phải tiến hành kiểm tra, xác minh tại nhiều nơi hay vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn giải quyết kiến nghị khởi tố hay các tố giác, tin báo có thể kéo dài nhưng không quá hai tháng.
Trường hợp trong thời hạn trên mà các cơ quan chưa thể kết thúc các hoạt động điều tra thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát của cấp có thẩm quyền có thể đề nghị được gia hạn một lần nhưng không quá hai tháng.
Trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh theo quy định, chậm nhất là 05 ngày, Cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản đề nghị đến Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền đề nghị được gia hạn thời hạn thêm thời gian để tiến hành kiểm tra, xác minh.
Khi giải quyết những tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, trong thời gian khởi tố vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền có quyền phải tiến hành các hoạt động quy định tại Khoản 3 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 bao gồm:
(i) Thu thập các tài liệu, thông tin, đồ vật có liên quan đến vụ việc để kiểm tra, xác minh nguồn tin;
(ii) Khám nghiệm tại hiện trường;
(iii) Khám nghiệm tử thi;
(iv) Trưng cầu giám định tài sản, yêu cầu định giá tài sản.
Những câu hỏi thường gặp về khởi tố hình sự
Những trường hợp nào chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại?
Khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định về việc khởi tố hình sự để mọi tội phạm đều bị xử lí kịp thời. Việc khởi tố vụ án hình sự không phụ thuộc vào bị án có đồng ý hay không.
Tuy nhiên, nhằm hạn chế những trường hợp khi có tội phạm xảy ra, việc khởi tố có thể gây thêm tổn thất cho bị hại, pháp luật quy định trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại, nhằm tạo cho họ khả năng tự do lựa chọn cách giải quyết hoặc là yêu cầu pháp luật can thiệp hoặc tự dàn xếp với người gây thiệt hại cho mình một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, pháp luật cho phép sự thể hiện ý chí của bị hại trong việc giải quyết các sự việc gây thiệt hại cho chính mình cũng chỉ trong giới hạn nhất định mà xã hội và cộng đồng có thể chấp nhận được.
Do đó, Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, đối với một số tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng xâm hại đến quyền sở hữu công nghiệp, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bị hại, nếu không có những tình tiết nghiêm trọng mà chỉ có những tình tiết quy định tại Khoản 1 tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 sau:
(i) Điều 134
(ii) Điều 135
(iii) Điều 136
(iv) Điều 138
(v) Điều 139
(vi) Điều 141
(vii) Điều 143
(viii) Điều 155
(ix) Điều 156
(x) Điều 226
Các trường hợp trên chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại hoặc đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần hay đã chết.
Với các vụ án về các tội phạm trên, nếu bị hại không yêu cầu khởi tố thì cơ quan có thẩm quyền không được khởi tố vụ án.
Để ra quyết định khởi tố vụ án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, xác định dấu hiệu của tội phạm và yêu cầu khởi tố của bị hại. Yêu cầu khởi tố của bị hại được thể hiện qua một trong hai hình thức:
(i) Đơn yêu cầu của bị hại;
(ii) Ý kiến ở biên bản ghi lời khai của bị hại.
Ngoài ra, bạn đọc có thể xem thêm một số bài viết liên quan tại Luật Tố tụng
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
- Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.